banner  

CEO Gỗ Đức Thành: Không có nguyên liệu dự trữ, doanh nghiệp gỗ sẽ khó 'gồng' qua cơn bão giá

Thứ ba, 05/07/2022

Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng như năm 2019 giá nguyên liệu tăng cao, năm 2020 - 2021, dịch COVID-19 bùng phát, đến năm nay, cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra giữa lúc diễn biến lạm phát và nhiều loại chi phí tăng cao, CEO Gỗ Đức Thành đã đúc kết lại rằng nguyên liệu chính là yếu tố cốt lõi đã và sẽ giúp doanh nghiệp vượt bão thành công.


Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đường biển liên tục “leo thang” cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, nguy cơ lạm phát tăng cao, không ít các doanh nghiệp phải cân nhắc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp dù nhận thấy nhiều thách thức đang diễn ra nhưng vẫn không có ý định điều chỉnh mục tiêu. Chẳng hạn như Công ty CP chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) vẫn duy trì việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng gấp rưỡi về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.

Lý do gì khiến lãnh đạo doanh nghiệp không muốn hạ chỉ tiêu cho chính mình giữa bối cảnh khó khăn hiện nay? Để trả lời cho câu hỏi này, người viết đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành.

gdt20226

PV: Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó, Nga là một trong những quốc gia lớn cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc chiến Nga- Ukraine vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu của Gỗ Đức Thành có bị ảnh hưởng? 

Ông Lê Hồng Thắng: Với Gỗ Đức Thành, nguồn nguyên liệu chính là gỗ cây trồng cao su, tràm bông vàng. Đây là các loại gỗ có khá nhiều tại Việt Nam nên công ty gần như không ảnh hưởng về vấn đề tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình địa chính trị bất ổn này có một phần ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Gỗ Đức Thành khi giá dầu tăng lên khiến mọi thứ đều tăng từ nguyên liệu gỗ, vật tư đi kèm đều tăng, chưa kể chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, Mỹ, châu Á...cũng đều tăng đột biến.

Điều này gây nên khó khăn kép cho doanh nghiệp giữa lúc lạm phát vẫn tăng cao tại nhiều quốc gia. Bởi giá thành sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá bán bắt buộc phải tăng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ít đi, người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu, ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày nhiều hơn nên đây cũng là một cái khó không nhỏ của doanh nghiệp.

Các sản phẩm đồ dùng nhà bếp, đồ chơi trẻ em được sản xuất từ nguồn gỗ nội địa. (Ảnh: Như Huỳnh) 

PV: Với doanh nghiệp ngành gỗ, nguyên liệu được xem là yếu tố then chốt trong bài toán kinh doanh. Tại Gỗ Đức Thành, vấn đề này được doanh nghiệp cân đối như thế nào giữa "cơn bão" giá hiện nay?

Ông Lê Hồng Thắng: Trên thương trường, doanh nghiệp nào nắm được nguồn nguyên liệu dồi dào, đó là sức mạnh. May mắn là Gỗ Đức Thành có nguồn nguyên liệu khá ổn định từ nội địa nên công ty có được một khoảng thời gian để "gồng" với diễn biến tăng giá nguyên liệu, chia sẻ với khách hàng mà không cần phải ngay lập tức thay đổi giá.

Bởi nếu không có nguyên liệu dự trữ doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, nhưng chỉ giảm được ở một mức nào đó, đến khi không "gồng" nổi sẽ bắt buộc thay đổi giá. 

Mặc khác, nguồn nguyên liệu của chúng tôi gần như gần như không bao giờ cạn kiệt khi ngành cao su vẫn tiếp tục phát triển, bởi tự nó sẽ tái tạo trong tương lai khi các nông trường luôn có kế hoạch trồng mới và cần thanh lý nguồn gỗ hết hạn lấy mủ, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tự động có nguồn nguyên liệu dự trữ cho tương lai mà không cần phải đầu tư nhiều.   

Và thành quả của việc dự trữ nguyên liệu này vốn đã được chứng minh trong quá khứ, ở giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, chúng tôi cũng từng có một quyết định táo bạo khi đầu tư nguồn vốn sẵn có để thu mua nguyên liệu với giá hời khi nguồn cung đang dư thừa, đến khi thị trường sôi động trở lại chúng tôi đã nhanh chóng gom hết các đơn hàng giữa lúc các đối thủ chưa có sự chuẩn bị kịp nguyên liệu, nhân lực... còn đối tác thì liên tục hối thúc giao hàng gấp.

Do đó, có thể nói, việc có sẵn nguồn nguyên liệu là một lợi thế của Gỗ Đức Thành giúp khách hàng không phải đột ngột tăng giá và cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi sau khó khăn.

PV: Nguồn dự trữ hiện tại giúp Gỗ Đức Thành "gồng" trong bao lâu?

Ông Lê Hồng Thắng: Chúng tôi thường dự trữ nguồn nguyên liệu trong khoảng 6 tháng nên thời điểm này công ty ước tính có thể sẽ "gồng" được tương ứng 6 tháng. Thời gian này được ước tính bởi thông thường, mức giá bán phải được giữ ít nhất 6 tháng, trừ trường hợp bất thường khách hàng vẫn chấp nhận cho mình thay đổi giá nhưng họ sẽ không mấy hài lòng. Bởi họ sẽ phải cắt bớt lợi nhuận chứ không thể thay đổi giá liên tục.

Từ kinh nghiệm trong các lần vượt khủng hoảng, tôi nhận thấy việc dự trữ nguyên liệu sẽ không bao giờ thừa mà đó là lợi thế của doanh nghiệp.      

PV: Giả sử khi sử dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ này, nếu tình hình bất ổn vẫn kéo dài thì liệu công ty có đi đến quyết định tăng giá hoặc chấp nhận lợi nhuận giảm không?

Ông Lê Hồng Thắng: Sẽ không có một công thức cố định mà mục tiêu là vẫn phải tìm kiếm đơn hàng, có lợi nhuận, có việc làm cho người lao động.

Bởi việc tăng giá bán phụ thuộc vào tình hình giá nguyên liệu tại thời điểm đó, nhu cầu tiêu dùng có tăng hay không thì người sản xuất mới có thể điều chỉnh tăng giá bán. Hoặc nó còn tùy thuộc vào khách hàng, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp có thể thương lượng, thay đổi giá hay không, nếu không được mình phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận.

Ví dụ, tại thị trường Anh, thời điểm này dù giá bán của một số khách hàng đã thấp nhưng họ đang khó khăn đầu ra nên chúng tôi phải đồng hành, giảm giá hoặc cùng làm chương trình khuyến mãi để họ bán được hàng. Tức là chúng tôi phải linh hoạt, uyển chuyển theo tình hình thực tế. 

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành làm việc trực tiếp với người lao động tại nhà máy và văn phòng. (Ảnh: GDT)

 

Ý kiến bạn đọc